Thủ tướng Anh kêu gọi thay thế JCPOA bằng thỏa thuận mới

Đây là lần đầu tiên nhà lãnh đạo Anh công khai quan điểm ủng hộ thay thế thỏa thuận hạt nhân mà Anh là một trong những nước tham gia ký kết.
Thủ tướng Anh kêu gọi thay thế JCPOA bằng thỏa thuận mới ảnh 1Thủ tướng Anh Boris Johnson phát biểu tại London. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Thủ tướng Anh Boris Johnson ngày 14/1 đã kêu gọi Tổng thống Mỹ Donald Trump thay thế thỏa thuận hạt nhân Iran bằng một thỏa thuận mới của riêng mình để đảm bảo nhà nước Hồi giáo này không sở hữu vũ khí hạt nhân.

Đây là lần đầu tiên nhà lãnh đạo Anh công khai quan điểm ủng hộ thay thế thỏa thuận hạt nhân mà Anh là một trong những nước tham gia ký kết.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin BBC, Thủ tướng Anh thể hiện quan điểm cho rằng nếu các bên có ý định từ bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran còn có tên gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), hãy thay thế thỏa thuận này bằng thỏa thuận của ông Trump.

[Chủ tịch EC hối thúc Tổng thống Iran Rouhani tuân thủ JCPOA]

Theo ông Johnson, đây sẽ là điều tuyệt. Ông đánh giá Tổng thống Trump là nhà đàm phán tài ba, do đó, ông cho rằng hãy cùng hợp tác để thay thế JCPOA bằng một thỏa thuận của ông Trump.

Theo JCPOA năm 2015 giữa Iran và nhóm P5+1 gồm Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Trung Quốc và Đức, Tehran chấp thuận hạn chế chương trình hạt nhân mà phương Tây lo ngại có thể sẽ dẫn tới việc phát triển bom hạt nhân.

Đổi lại, các quốc gia phương Tây đồng ý gỡ bỏ mọi biện pháp trừng phạt nhằm vào Tehran.

Tuy nhiên, năm 2018, Mỹ đã đơn phương rút khỏi thỏa thuận và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Iran. Động thái này được cho là nguyên nhân dẫn đến căng thẳng hiện nay giữa Washington và Tehran.

Tháng 5 vừa qua, Tehran tuyên bố sẽ "thu hẹp" việc thực hiện các cam kết trong thỏa thuận hạt nhân, cụ thể là sẽ tăng mức độ làm giàu urani.

Cho đến nay, các nước châu Âu vẫn đang thuyết phục Iran tuân thủ cam kết để tránh nguy cơ thỏa thuận đổ vỡ.

Cùng ngày, hai nhà ngoại giao châu Âu cho hay, Pháp, Anh và Đức ngày 14/1 sẽ thông báo cho Liên minh châu Âu (EU) rằng họ đang kích hoạt một cơ chế thảo luận về thỏa thuận hạt nhân Iran sau khi Tehran liên tiếp vi phạm thỏa thuận được ký năm 2015 này.

Các nhà ngoại giao này cho hay quyết định trên nhằm cứu vãn JCPOA thông qua việc thảo luận với Iran về việc họ nên làm để đảo ngược các quyết định mà họ đã đưa ra. Mục tiêu này không phải nhằm tái áp đặt các biện pháp trừng phạt của Liên hợp quốc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục