Một số công ty Đông Nam Á đang xem xét việc niêm yết tại Mỹ, dựa trên nhu cầu mạnh mẽ của nhà đầu tư đối trước đà tăng trưởng của thị trường mới nổi trong khi không có đợt chào bán cổ phiếu nào từ các công ty Trung Quốc.
Các quản lý cấp cao của nền tảng tài chính kỹ thuật số hàng đầu cho các công ty vừa và nhỏ Funding Societies, công ty giải trí Gushcloud International có trụ sở tại Singapore, cùng công ty công nghệ bảo hiểm Thái Lan Sunday cho hay họ đang cân nhắc New York như một trong những nơi phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) của họ.
Tương tự, nền tảng thương mại điện tử chuyên về ôtô lớn nhất khu vực Đông Nam Á Carsome Group cũng đang xem xét việc niêm yết tại các sàn giao dịch toàn cầu khác nhau, bao gồm cả các sàn ở Mỹ.
Những thông tin trên được đưa ra sau kế hoạch được công bố gần đây của công ty bất động sản Hotel101 Global của Philippines về việc niêm yết tại Mỹ.
Các công ty Đông Nam Á đã huy động được khoảng 101 triệu USD thông qua IPO ở Mỹ tính từ đầu năm tới nay, thấp hơn nhiều so với mức 919 triệu USD của năm ngoái. Nhưng các chuyên viên ngân hàng kỳ vọng con số trên sẽ tăng mạnh hơn trong 12 tháng tới, khi các công ty tìm kiếm nguồn vốn mới sau khi dựa vào nguồn vốn từ quỹ tư nhân trong vài năm gần đây.
[Lộ diện thương vụ IPO lớn nhất thế giới trong năm 2023]
Ở chiều ngược lại, các công ty Trung Quốc đã huy động được 463,7 triệu USD thông qua niêm yết tại Mỹ trong năm nay, cao hơn một chút so với mức của năm 2022.
Nhưng theo dữ liệu của công ty dịch vụ tài chính LSEG, con số trên chỉ bằng một phần nhỏ so với mức 12,96 tỷ USD và 12,48 tỷ USD huy động được lần lượt vào năm 2021 và 2020.
Giới phân tích cho biết đối với các nhà đầu tư muốn tiếp cận thị trường mới nổi, Đông Nam Á là một lựa chọ phù hợp vì tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và dân số ngày càng tăng.
Như trong trường hợp của Indonesia, các số liệu thống kê cho thấy nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á đã tăng trưởng với tốc độ cao nhất ba quý trong giai đoạn từ tháng 4-6/2023, chủ yếu nhờ chi tiêu chính phủ và hộ gia đình mạnh mẽ.
Một số chuyên gia nhận định kế hoạch niêm yết tại Mỹ của các công ty Đông Nam Á sẽ giúp nâng đỡ tâm lý các ngân hàng Phố Wall ở châu Á. Khoảng 1/3 doanh thu của nhóm ngân hàng này đến từ các giao dịch trên thị trường vốn cổ phần (ECM), nhưng hầu hết đều cạn kiệt sau khi các công ty Trung Quốc tạm dừng IPO.
Ông Sunil Khaitan, người đứng đầu bộ phần ECM của ngân hàng Bank of America tại Đông Nam Á, cho biết đối với một số nhà đầu tư Mỹ tập trung vào các thị trường mới nổi, những cổ phiếu công nghệ họ có tiếp xúc phần lớn đến từ các công ty Trung Quốc vì đó là những tên tuổi lớn nhất được niêm yết tại Mỹ.
Hiện tại, các nhà đầu tư này đang tìm kiếm thêm một số tên tuổi ở những thị trường mới nổi khác.
Đối với các công ty muốn niêm yết, thị trường Mỹ mang lại một số lợi thế.
Đồng sáng lập và Giám đốc điều hành (CEO) của Funding Societies, ông Kelvin Teo đánh giá Mỹ là một trong những lựa chọn ưa thích của công ty vì nơi đây sẽ cung cấp nguồn vốn dồi dào và cơ sở bao gồm các nhà đầu tư toàn cầu.
Ông Andrew Lim, Giám đốc tài chính của Gushcloud, cũng cho biết việc niêm yết tại Mỹ sẽ giúp công ty tiếp cận các nhà đầu tư quen thuộc với các công ty thuộc những nền kinh tế mới nổi đang phát triển nhanh.
Trong khi đó, công ty kiểm toán Deloitte chi nhánh Đông Nam Á cho biết các công ty thuộc các lĩnh vực logistics, công nghệ, khai thác mỏ, xe điện và năng lượng tái tạo có nhiều khả năng tìm kiếm IPO cả trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cảnh báo đà phục hồi dự kiến trong hoạt động niêm yết của các công ty Đông Nam Á có thể bị chệch hướng do biến động trên thị trường chứng khoán và tâm lý giám sát nghiêm ngặt của nhà đầu tư.
Ông Art Anuruk Karoonyavanich, người đứng đầu bộ phận thị trường vốn tại ngân hàng DBS (Singapore), nhận định các nhà đầu tư Mỹ nhìn chung rất thành thạo và có kinh nghiệm trong việc đánh giá cơ hội trong các lĩnh vực khác nhau. Song sẽ tốt hơn nếu các công ty Đông Nam Á có thể lưu ý cho các nhà đầu tư về bất kỳ yếu tố cụ thể nào có thể ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của họ./.