Chủ tịch Barcelona đề cập tới khả năng tổ chức European Super League

Chủ tịch của Barcelona - ông Joan Laporta cho biết nếu Tòa án Công lý châu Âu ra phán quyết có lợi, giải European Super League có thể khởi tranh từ năm 2025.
Chủ tịch Barcelona đề cập tới khả năng tổ chức European Super League ảnh 1Chủ tịch của Barcelona - ông Joan Laporta. (Ảnh: Reuters)

Chủ tịch của Barcelona - ông Joan Laporta ngày 5/1 cho biết ông tin rằng giải European Super League có thể được tổ chức và diễn ra từ năm 2025 nếu tòa án ra phán quyết ủng hộ cho dự án này.

Chia sẻ với Đài phát thanh Cadena SER, ông Joan Laporta cho biết: "Trong tháng 3 hoặc tháng 4 tới, chúng ta sẽ có được phán quyết từ Tòa án Công lý châu Âu (ECJ). Giải Super League sẽ là một giải đấu mở. Hy vọng rằng, nếu phán quyết có lợi, tôi nghĩ Super League có thể khởi tranh từ năm 2025."

'Tôi sẽ không tham gia vào dự án này nếu nó không phải là một giải đấu mở và được  Real Madrid, Juventus và các câu lạc bộ khác chưa lộ mặt nhưng rất quan tâm đến cuộc thi này chấp thuận,” ông Laporta chia sẻ.

Chủ tịch của Barcelona cũng hy vọng Liên đoàn Bóng đá châu Âu (UEFA) sẽ đồng ý tham gia vào dự án này.

Trước đó, bóng đá châu Âu từng rơi vào cuộc tranh cãi hồi năm 2021 khi 12 đội bóng hàng đầu ở châu lục muốn tổ chức Super League.

Dự án siêu giải đấu này hứa hẹn những khoản tiền thưởng khổng lồ nhưng đã đổ bể chỉ chưa đầy 48 giờ sau khi công bố do vấp phải sự chỉ trích từ người hâm mộ, các chính phủ và bản thân các cầu thủ.

Các câu lạc bộ đăng ký tham gia giải sau đó cũng lần lượt rút lui trước áp lực dư luận như  Manchester United, Liverpool, Manchester City, Chelsea, Tottenham Hotspur, Arsenal, AC Milan, Inter Milan và Atletico Madrid. Do đó, dự án hiện chỉ còn lại các câu lạc bộ Real Madrid, Barcelona và Juventus.

Sau đó, trước sức ép từ các chính phủ và người hâm mộ, nhiều đội bóng đã rút khỏi dự án này.

Tới nay, Barcelona, Real Madrid và Juventus vẫn tiếp tục thúc đẩy dự án Super League, bất chấp sự phản đối từ nhiều bên.

Hiện các đội đang đâm đơn kiện Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA) và UEFA lạm dụng quyền lực khi đe dọa trục xuất các đội bóng hoặc cầu thủ tham gia giải đấu Super League.

Cuối năm 2022, Chủ tịch của Real Madrid - ông Florentino Perez từng cho rằng bóng đá hiện nay "nhàm chán" và giải Super League có thể giúp môn thể thao này "hồi sinh."

[FIFA và UEFA có lợi thế trong vụ kiện liên quan European Super League]

UEFA thông báo tạm dừng hành động pháp lý nhằm vào Real Madrid, Juventus và Barcelona về vai trò của 3 câu lạc bộ này trong việc khởi động dự án tham vọng Super League.

Thông báo của UEFA cho biết: "Ủy ban của UEFA quyết định tạm dừng tiến trình pháp lý cho tới khi có thông báo tiếp theo."

Tuy nhiên, thông báo của UEFA không cho biết thêm thông tin chi tiết về lý do dừng hành động pháp lý.

Chủ tịch Barcelona đề cập tới khả năng tổ chức European Super League ảnh 2Các câu lạc bộ dự kiến tham dự European Super League. (Nguồn: Sky Sports)

Super League được 3 câu lạc bộ với vai trò "sáng lập" là Real Madrid, Juventus và Barcelona, cùng 9 đội bóng khác, thông báo triển khai.

Tuy nhiên, UEFA đã can thiệp, cộng với đó là phản ứng của cổ động viên và các chính phủ buộc 6 đội bóng Anh là Arsenal, Chelsea, Liverpool, Manchester City, Manchester United và Tottenham, cùng Atletico Madrid, Inter Milan và AC Milan phải tuyên bố rút lui.

Sau đó, UEFA thông báo tiến hành điều tra xem liệu các đội bóng tham gia với vai trò sáng lập có vi phạm cơ chế pháp lý của tổ chức này hay không.

Tuy nhiên, Chủ tịch Florentino Perez cho biết một tòa án ở Tây Ban Nha đã đề nghị Tòa án Tư pháp của châu Âu vào cuộc để xem liệu FIFA hay UEFA có vi phạm luật cạnh tranh của Liên minh châu Âu hay không, khi tìm cách ngăn chặn các đội bóng tách khỏi các giải đấu hiện nay và thành lập Super League.

Tuy vậy, theo hướng dẫn mới nhất từ cố vấn luật của Tòa án Tư pháp của Liên minh châu Âu (CJEU) liên quan vụ tranh chấp giữa đơn vị sáng lập giải đấu mới và FIFA, các quy định của UEFA và FIFA cho các tổ chức này quyền ngăn các câu lạc bộ tham gia giải đấu European Super League và áp hình phạt với những cầu thủ tham gia giải đấu này là phù hợp với luật chống độc quyền của Liên minh châu Âu (EU).

Dù vụ kiện tập trung vào mẫu thuẫn giữa UEFA, FIFA và giải European Super League - dự án chỉ bao gồm 20 câu lạc bộ bóng đá lớn tại châu Âu - nhưng được cho là có tầm ảnh hưởng lan rộng tới các bộ môn thể thao khác, các câu lạc bộ và cầu thủ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục