"Đối đầu" quân sự giữa Nga-NATO: Vẫn chưa thấy hồi kết

Xu hướng “đối đầu” với Nga vẫn là trọng tâm trong hoạt động của NATO và tiếp tục được cụ thể hóa bằng các biện pháp trừng phạt Moskva cũng như lôi kéo thêm các quốc gia Đông Âu.
"Đối đầu" quân sự giữa Nga-NATO: Vẫn chưa thấy hồi kết ảnh 1Binh sỹ Ukraine tham gia cuộc tập trận Đinh ba Thần tốc (Rapid Trident) 2017 tại khu vực Yavoriv, gần thành phố Lviv, Ukraine tháng 9/2017. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Đức, bộ trưởng quốc phòng các nước thành viên tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã nhóm họp tại Brussels trong hai ngày 3-4/10 vừa qua.

Hội nghị tiếp tục cho thấy xu hướng “đối đầu” với Nga vẫn là trọng tâm trong hoạt động của NATO và tiếp tục được cụ thể hóa bằng các biện pháp trừng phạt Moskva cũng như lôi kéo thêm các quốc gia (có chung biên giới với Nga) ở khu vực phía Đông châu Âu.

Giới thiệu hệ thống hàng hải không người lái

Trong khuôn khổ hội nghị này, bộ trưởng quốc phòng các nước NATO ngày 3/10 đã ký tuyên bố hợp tác về việc giới thiệu Hệ thống hàng hải không người lái. Động thái này là một bước đi nhằm hỗ trợ việc lãnh đạo các nước NATO đã ủng hộ việc củng cố hệ thống hàng hải của NATO tại Hội nghị Thượng đỉnh NATO diễn ra hồi tháng 7 vừa qua.

Sáng kiến trên cho phép Bỉ, Đan Mạch, Đức, Hy Lạp, Italy, Hà Lan, Na Uy, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ, Anh và Mỹ tập hợp nhân lực và vật lực để xây dựng hệ thống hàng hải tự động, linh hoạt và có khả năng tương thích cao.

Tuyên bố chung đánh giá việc sử dụng các hệ thống không người lái là một xu hướng có khả năng tạo ra bước nhảy vọt trong công nghệ hàng hải, hỗ trợ hiệu quả hơn đáng kể trong các lĩnh vực quan trọng như phát hiện và khai thác mỏ, tìm kiếm và theo dõi tàu ngầm. Khi kết hợp với các trang thiết bị hải quân truyền thống, hệ thống này sẽ giúp tăng cường nhận biết tình huống và khả năng kiểm soát hàng hải.

[Nga khẳng định sẵn sàng đối thoại nghiêm túc với liên minh NATO]

Phó Tổng thư ký NATO Rose Gottemoeller phát biểu: “Tuyên bố hôm nay sẽ giúp đồng minh đưa các công nghệ mới nhất vào hoạt động vì sự an toàn và an ninh của chúng ta trên biển. Công nghệ hiện đại cho phép chúng ta điều khiển các phương tiện từ xa hoặc hoàn toàn tự động.” Thông qua sáng kiến này, đồng minh cũng sẽ có thể khai thác các nền kinh tế có quy mô lớn để giảm chi phí, cho phép tăng ngân sách quốc phòng để phát triển xa hơn.

Ngày 4/10, Bộ trưởng Quốc phòng các nước Bulgaria, Croatia, Hungary và Slovenia cũng đã ký kết “Biên bản ghi nhớ về việc thiết lập Chương trình hàng không đặc biệt quốc gia.” Theo thỏa thuận này, một trung tâm đào tạo mới sẽ được thành lập tại Zadar để đào các tổ lái chuyên thực hiện các nhiệm vụ đổ bộ, đón các lực lượng đặc nhiệm.

Phát biểu tại lễ ký kết, ông Rose Gottemoeller khẳng định: “Khi thế giới thay đổi, NATO phải tiếp tục thích nghi để đáp ứng các mối đe dọa an ninh đang phát triển. Và các lực lượng đặc nhiệm đã chứng tỏ là một công cụ có giá trị và linh hoạt để đáp ứng có hiệu quả của những thách thức này. Sự hợp tác này là biểu tượng của cách tiếp cận sáng tạo mà các đồng minh NATO và các đối tác đang thực hiện để nâng cao khả năng phòng thủ tập thể của khối.”

Chương trình hàng không mới này sẽ được thiết lập theo từng bước, mở rộng các cơ hội đào tạo được cung cấp theo thời gian thực. Trong quá trình này, trung tâm sẽ là một tài sản mới quan trọng và đặc biệt trong NATO. Trung tâm đào tạo hàng không mới dự kiến chính thức đi vào hoạt động vào cuối năm 2019 và sẽ góp phần vào khả năng thích ứng và sẵn sàng của NATO.

Nga bị cáo buộc chủ mưu tấn công không gian mạng trên toàn cầu

Cũng trong ngày 4/10, các nước phương Tây tiếp tục đưa ra các cáo buộc Nga gia tăng can thiệp trên toàn cầu, đặc biệt là về tấn công mạng. Bộ trưởng Quốc phòng Hà Lan đã thông báo việc trang mạng và các văn phòng của tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW) tại La Haye đã bị tấn công bởi các hoạt động thù địch trên không gian mạng.

[Moskva: Cáo buộc của Hà Lan về Nga tấn công mạng của OPCW là 'lố bịch']

Hà Lan khẳng định các hoạt động này được thực hiện bởi Cơ quan tình báo quân sự Nga (GRU) nhưng đã bị các Cơ quan Tình báo Hà Lan (với sự hợp tác của Anh) ngăn chặn kịp thời. Bên cạnh đó, Anh cũng đã xác định GRU đứng đằng sau một số cuộc tấn công không gian mạng trên toàn thế giới. Những hoạt động này đã ảnh hưởng đến công dân ở nhiều nước, bao gồm Nga, và gây ra chi phí kinh tế rất lớn.

Phát biểu tại cuộc họp báo sau hội nghị, Tổng thư ký NATO Stoltenberg cho rằng, các đồng minh NATO - thể hiện sự đoàn kết với các tuyên bố của Hà Lan và Anh - cáo buộc Nga về những nỗ lực trắng trợn nhằm làm suy yếu luật pháp và thể chế quốc tế.

Ông Stoltenber yêu cầu Nga phải chấm dứt hành vi liều lĩnh của mình, bao gồm cả việc sử dụng vũ lực chống các nước láng giềng, cố gắng can thiệp vào các quá trình bầu cử và các chiến dịch xuyên tạc thông tin quy mô lớn. NATO sẽ tiếp tục tăng cường năng lực quốc phòng và ngăn chặn để đối phó với các mối đe dọa đa dạng, bao gồm cả trên không gian mạng.

Liên quan đến vấn đề này, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng NATO cũng đã thảo luận về tiến độ đang thực hiện trong việc thiết lập một Trung tâm điều hành mới, tích hợp khả năng của mạng quốc gia vào các nhiệm vụ và hoạt động của NATO, tăng cường khả năng phục hồi không gian mạng của khối. Cũng trong khuôn khổ hội nghị, một số nội dung khác cũng đã được thảo luận chủ yếu tập trung vào việc tiếp tục thích ứng và củng cố liên minh nhằm đáp ứng với sự quyết đoán ngày càng tăng của Nga và sự bất ổn kéo dài tại một số khu vực có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến châu Âu.

Về chia sẻ gánh nặng tài chính, Tổng thư ký NATO cho biết liên minh đang “tiến bộ”và “đây sẽ là năm thứ tư liên tiếp chi tiêu quốc phòng tăng.”

Theo ông Stoltenberg, khi tất cả các đồng minh đã cam kết với các kế hoạch quốc gia, ông hy vọng các kế hoạch này sẽ cho thấy sự gia tăng thực sự trong chi tiêu quốc phòng hàng năm, từ đó dẫn đến kết quả thực tế đối với mục tiêu 2% GDP cho quốc phòng.

Trong cuộc thảo luận về sự ngăn chặn và khả năng phòng thủ của NATO, các bộ trưởng đã nêu lên lo ngại về hành vi của Nga và tương lai của Hiệp ước vũ khí hạt nhân tầm trung. Tổng thư ký Stoltenberg phát biểu: “Hệ thống tên lửa mới của Nga đang gây bất ổn và đặt ra một nguy cơ nghiêm trọng đối với an ninh của khối. Chúng tôi kêu gọi Nga lưu ý giải quyết các mối quan tâm nghiêm túc của NATO.”

Về năng lực ngăn chặn và phòng thủ của NATO, các bộ trưởng cũng thể hiện mối lo ngại về sự bất ổn ở biên giới phía Nam, đặc biệt là nhiệm vụ huấn luyện quân sự mới tại Iraq và tiếp tục hỗ trợ các nước đối tác trong việc cải thiện khả năng phòng thủ và đảm bảo an ninh.

Các bộ trưởng cũng đã cùng thảo luận với Đại diện cao cấp về Ngoại giao và Chính sách an ninh của EU, Federica Mogherini, và đại diện từ Phần Lan và Thụy Điển về hợp tác NATO-EU trong các lĩnh vực quốc phòng, bố trí lực lượng chống lại các “mối đe dọa lai” cũng như xây dựng năng lực ở Trung Đông và Bắc Phi./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục