Đức nhấn mạnh nghĩa vụ thực thi thỏa thuận Minsk về xung đột Ukraine

Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock nhấn mạnh Ukraine cần phải tránh thông qua những đạo luật mâu thuẫn với các thỏa thuận Minsk và điều này sẽ góp phần đạt được tiến triển thực sự.
Đức nhấn mạnh nghĩa vụ thực thi thỏa thuận Minsk về xung đột Ukraine ảnh 1Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov (phải) và Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock tại cuộc họp báo chung sau cuộc gặp ở Moskva, Nga, ngày 18/1/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trả lời phỏng vấn tờ Sueddeutsche Zeitung, ngày 21/1, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock nhấn mạnh tiến trình thực thi các thỏa thuận Minsk có khả năng đưa Ukraine đến gần hơn với mục tiêu vượt qua cuộc khủng hoảng hiện nay.

Điều đáng lưu ý là Kiev cần phải tránh thông qua những đạo luật mâu thuẫn với các thỏa thuận này.

Ngoại trưởng Đức nêu rõ trong khi thực thi các thỏa thuận Minsk, Kiev cần phải đưa ra các tiêu chí chính trị như luật về quy chế đặc biệt.

Luật này cũng bao gồm quy định không thông qua những đạo luật mâu thuẫn với các thỏa thuận Minsk. Đây sẽ là một đóng góp để đạt được tiến triển thực sự.

Những nỗ lực tìm kiếm giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột ở Donbass - miền Đông Ukraine - dựa trên các thỏa thuận Minsk - đặc biệt là bao gồm những động thái tuyên bố ngừng bắn, rút các loại vũ khí, tuyên bố ân xá, khôi phục quan hệ kinh tế và tiến hành cải cách hiến pháp ở Ukraine thông qua đối thoại với hai nước Cộng hòa Nhân dân tự xưng là Donetsk (DPR) và Luhansk (LPR).

Tuy nhiên, quá trình đàm phán đã rơi vào bế tắc do Ukraine từ chối thực thi những điều khoản chính trị được quy định trong các thỏa thuận Minsk.

[Ngoại trưởng Lavrov khẳng định Nga không có ý định tấn công]

Trong một diễn biến liên quan, báo chí Đức ngày 22/1 dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht khẳng định Berlin sẽ không cung cấp vũ khí cho Ukraine trong bối cảnh căng thẳng hiện nay với Nga.

Theo bà, Ukraine sẽ nhận được một bệnh viện dã chiến hoàn chỉnh, cùng với các đợt tập huấn cần thiết vào tháng 2 tới do Đức đồng tài trợ với số tiền 5,3 triệu euro (khoảng 6,01 triệu USD).

Bà nhấn mạnh quan điểm của Thủ tướng Olaf Scholz  là không cung cấp vũ khí sát thương tới các khu vực xung đột.

Liên quan đến Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Bộ trưởng Lambrecht cho rằng yêu cầu của Nga về việc quyết định quốc gia nào gia nhập NATO là một “ranh giới đỏ” đối với liên minh quân sự này, nhấn mạnh Nga không có quyền phủ quyết quy chế thành viên của NATO.

Bộ trưởng Quốc phòng Đức cũng nêu rõ ngoài “ranh giới đỏ” vừa đề cập, phương Tây sẵn sàng đối thoại với Nga trên cơ sở có tính đến lợi ích của Moskva./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục