EU hy vọng nối lại xuất khẩu ngũ cốc từ Ukraine bằng đường biển

Theo ông Joseph Borrell, việc nối lại xuất khẩu của Ukraine bằng đường biển là vô cùng quan trọng, nếu không có nguy cơ xảy ra thảm họa lương thực toàn cầu.
EU hy vọng nối lại xuất khẩu ngũ cốc từ Ukraine bằng đường biển ảnh 1Thu hoạch ngũ cốc tại Ukraine. (Ảnh: REUTERS/TTXVN)

Ngày 18/6, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Joseph Borrell cho biết khối này hy vọng sẽ tìm ra giải pháp cho hoạt động xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine qua các cảng ở Biển Đen trong những ngày tới, bởi những phương thức thay thế sẽ không ngăn chặn được cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu.

Theo ông Borrell, việc nối lại xuất khẩu của Ukraine bằng đường biển là vô cùng quan trọng, do vậy EU đang hợp tác chặt chẽ với Liên hợp quốc trong vấn đề này.

Ông cũng bày tỏ hy vọng có thể tìm ra giải pháp trong những ngày tới, nếu không có nguy cơ xảy ra thảm họa lương thực toàn cầu.

Các nước phương Tây tăng cường áp lực trừng phạt đối với Nga sau khi Moskva phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine hồi tháng 2.

Các biện pháp trừng phạt chủ yếu ảnh hưởng đến lĩnh vực ngân hàng và sản phẩm công nghệ cao. Đồng thời, do chuỗi cung ứng bị gián đoạn, châu Âu và Mỹ phải đối mặt với tình trạng giá ngũ cốc tăng mạnh.

[Nga tạo điều kiện cho xuất khẩu ngũ cốc từ Ukraine qua Biển Azov]

Ông Joseph Borrell cũng cho biết khối này sẵn sàng hợp tác để ngăn chặn bất kỳ tác động “không mong muốn” nào từ các biện pháp trừng phạt Nga, thí dụ như chuỗi cung ứng lương thực bị đứt gãy và tình trạng “tuân thủ quá mức” liên quan đến các hoạt động thanh toán.

Quan chức EU nhấn mạnh các biện pháp trừng phạt của liên minh không bao giờ nhằm vào hoạt động xuất khẩu nông sản và phân bón của Nga, do đó, mọi giao dịch thanh toán liên quan đều được đảm bảo an toàn và không bị ảnh hưởng bởi các biện pháp trừng phạt này.

Theo người phát ngôn Chương trình Lương thực Thế giới của Liên hợp quốc (WFP) Thomson Peary, tình hình ở Ukraine có thể dẫn đến nạn đói toàn cầu.

Ông Peary cho biết Ukraine và Nga chiếm 30% lượng lúa mỳ xuất khẩu trên thế giới, 20% lượng ngô xuất khẩu và 76% nguồn cung hạt hướng dương, vì vậy, mọi sự gián đoạn trong sản xuất hoặc nguồn cung đều có nguy cơ dẫn đến tình trạng giá cả lương thực tăng vọt./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục