Ukraine và phương Tây thảo luận về xung đột, khủng hoảng lương thực

Ngoại trưởng Ukraine Kuleba đã thảo luận với người đồng cấp Mỹ về kế hoạch hỗ trợ quân sự cho Ukraine, trong đó các loại vũ khí hạng nặng và xuất khẩu lương thực của Ukraine.
Ukraine và phương Tây thảo luận về xung đột, khủng hoảng lương thực ảnh 1Cánh đồng lúa mỳ ở Mala Dyvitsya (Ukraine). (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Washington, ngày 27/5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết Ngoại trưởng nước này Antony Blinken và người đồng cấp Ukraine Dmytro Kuleba đã thảo luận về kế hoạch hỗ trợ an ninh cho Ukraine và chia sẻ những thông tin mới nhất liên quan đến nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng an ninh lương thực toàn cầu, cùng một số vấn đề khác.

Chia sẻ trên Twitter, Ngoại trưởng Kuleba cho biết ông đã thảo luận với người đồng cấp Mỹ về kế hoạch hỗ trợ quân sự cho Ukraine, trong đó các loại vũ khí hạng nặng là chủ đề chính. Hai bên cũng thảo luận về hoạt động xuất khẩu lương thực của Ukraine.

Trong khi đó, theo phóng viên TTXVN tại Rome, ngày 27/5, Thủ tướng Italy Mario Draghi và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã điện đàm và thảo luận về nỗ lực giải quyết tình trạng phong tỏa xuất khẩu lúa mì từ Ukraine để khắc phục cuộc khủng hoảng lương thực đang đe dọa các nước nghèo nhất thế giới.

Theo Văn phòng Thủ tướng Italy, ông Draghi đã đảm bảo sự hỗ trợ của Rome, cùng với các quốc gia thành viên khác trong Liên minh châu Âu (EU), dành cho Ukraine.

[Ukraine kêu gọi đảm bảo an toàn cho hoạt động xuất khẩu lương thực]

Việc các cảng của Ukraine bị phong tỏa trong bối cảnh xung đột đã ngăn cản những chuyến hàng ngũ cốc mà Ukraine và cả Nga đều là những nhà xuất khẩu lớn.

Nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế đang kêu gọi dỡ bỏ phong toả các cảng biển của Ukraine nhằm giảm giá lương thực và vận chuyển lương thực sớm nhất có thể đến những khu vực đang phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực.

Cùng ngày 27/5, Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal cho biết ông đã thảo luận về chủ đề tái thiết sau xung đột với Bộ trưởng Hợp tác kinh tế và phát triển Đức Svenja Schulze tại Kiev.

Chia sẻ trên Telegram, ông Shmyhal nêu rõ Ukraine cần tái thiết cơ sở hạ tầng sớm nhất có thể để đảm bảo hoạt động hậu cần, kho vận được khôi phục và các doanh nghiệp có thể hoạt động trở lại.

Ông Shmyhal cũng thảo luận với Bộ trưởng Đức về kết quả cuộc họp các bộ trưởng phát triển Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) tại Berlin hồi tuần trước, kêu gọi G7 đóng vai trò dẫn đầu trong các nỗ lực hỗ trợ Ukraine tái thiết.

Hai bên cũng đã thảo luận về tiến trình gia nhập Liên minh châu Âu (EU) của Ukraine.

Về phần mình, Bộ trưởng Schulze - thành viên thứ hai của Chính phủ Đức đến thăm Ukraine kể từ khi xung đột nổ ra, đã cam kết viện trợ dân sự cho Ukraine để quá trình tái thiết có thể bắt đầu nhanh nhất có thể.

Trong chuyến thăm tới vùng ngoại ô Borodjanka của Kiev, bà Schulze cam kết với người dân về sự viện trợ dân sự của Đức, nêu rõ 185 triệu euro cho các biện pháp khẩn cấp đã được phê duyệt để xây dựng nhà cửa và đường điện.

Bộ trưởng Schulze khẳng định Đức sẽ vẫn là đối tác giúp tái thiết Ukraine trong vài năm tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục